logo
REVIEW>> NHÀ CÓ BÉ NGOAN
nha-co-be-ngoan
Tìm truyện
Donate

NHÀ CÓ BÉ NGOAN

Tác giả:

Thính Nguyên

Designer:

AI_Lâm

Độ dài: 84

Tình trạng: Hoàn edit

Lượt xem: 3052

Giới thiệu:

Kiếp trước Lâm Du cắt đứt quan hệ với gia đình đi xa tha hương, bị phản bội, bị người ta giẫm dưới chân mặc sức sỉ nhục, c hết rồi lại trôi dạt chốn lạ, linh hồn không thể về lại cố hương.

Thật không ngờ một sáng tỉnh mộng lại trùng sinh.

Năm ấy cha chưa mất sớm, mẹ vẫn dịu dàng nhã nhặn, bà nội còn trên thế gian, gia đình mỹ mãn.

Lâm Du quyết tâm không giẫm lên vết xe đổ ngày trước, khiến cho những năm đầu 90 của đại gia tộc họ Lâm trong giới điêu khắc gỗ Kiến Kinh náo loạn hết cả lên.

Đứa con trai nhỏ như đắp từ phấn đẽo từ ngọc trong nhà hay nhõng nhẽo thì cũng thôi đi, đã thế hở chút lại rơi nước mắt ngà.

Thầy bói quả quyết: Tà linh nhập xác, phải tìm người thích hợp trấn áp.

Sau đó “nắm sữa” bị đẩy vào nhà Lão Văn cách vách.

Nhà họ Văn là gia đình quân nhân trú quân ở đây, nơi đó có dương khí mạnh nhất.

Sau đó nữa tất cả mọi người được thấy cảnh “bé sữa” chạy ù ra ôm lấy đứa con trai độc đinh vừa đi học về của nhà người ta.

“Anh ơi.” Bé con dụi mặt vào hõm cổ thiếu niên nũng nịu.

Đây là ký ức đã mờ nhạt đi trong những tháng ngày vỡ tan về sau của cậu.

Là người mà bao năm không gặp, nhưng đến cuối cùng lại vượt ngàn dặm trường từ quân đội trở về nhặt xác chôn cất cho cậu.

***

Lời đầu tiên mình xin khen ngợi bản dịch đỉnh của đỉnh, dịch giả dùng từ rất là hay, câu văn mượt mà và cực kỳ thuần Việt.

Nhà họ Lâm đời đời kế thừa nghề điêu khắc gỗ của tổ tiên, là kỹ thuật và trình độ có một không hai trong thành phố Kiến Kinh.

Đời trước Lâm Du bốc đồng yêu một tên sở khanh, công bố tính hướng, mặc sự phản đối của gia đình bỏ nhà tha hương, để rồi cậu đánh mất tất cả, mất nghề gia truyền, mất người thân, tình yêu không còn mà mạng sống cũng mất luôn.

Trải qua thăng trầm khi tuổi còn rất trẻ, Lâm Du được trở về những ngày tháng lúc cậu vừa 5 tuổi, chập chững học nghề điêu khắc, gia đình vẫn còn khỏe mạnh, cậu chưa bỏ nhà ra đi, tất cả vẫn còn thay đổi được.

Kiếp này cậu phải kế thừa và phát huy truyền thống gia đình, đưa nhà họ Lâm vượt qua khó khăn, Lâm Du vốn có năng khiếu bẩm sinh trong nghề điêu khắc, cộng thêm sự chăm chỉ mà một đứa bé nhỏ tuổi không nên có, thanh danh thợ cả bé Du vang danh trong giới.

“Kiếp này cậu phải là một thân cây

Đóng giữ tại nơi gọi là nhà, tỏa cành kết tán khắp mười dặm vuông.”

Tình cảm gia đình dành cho Lâm Du cũng như tình cảm của cậu với những người thân là thứ hấp dẫn nhất trong truyện.

Gia đình thường nói cậu bé tí tuổi mà lo xa quản nhiều, nhưng Lâm Du biết cậu đang muốn thay đổi những gì đã xảy ra ở kiếp trước mà thôi.

“Nhà có bé ngoan” nhưng có đôi khi em bé với tâm hồn lớn tuổi đó chẳng hề ngoan, cậu hay làm những việc khiến người lớn khó hiểu, vừa hơn mười tuổi đã lấy con dấu của bố hủy đơn hàng nguyên liệu - cắt đứt dính líu, vì sau này đối tác kia ngã ngựa kéo theo nhà họ Lâm, nhưng cậu không thể nói lý do vì sao cậu biết với người nhà, thành ra gây tội lớn bị bố đánh thảm thương, quỳ từ đường suốt đêm.

Bé Lâm Du chỉ ngoan khi bé ở với Văn Chu Nghiêu mà thôi, nhõng nhẽo ỏng eo, lại còn khó nuôi khó chiều.

Văn Chu Nghiêu lớn hơn Lâm Du 5 tuổi, hai nhà Lâm Văn là hàng xóm, nhà Lâm Du cho cậu nhận ba mẹ Văn Chu Nghiêu là ba mẹ nuôi.

Biến cố không may xảy ra, ba mẹ Văn Chu Nghiêu mất sớm, nhà họ Lâm nhận nuôi anh với tư cách con trai cả nhà họ Lâm, làm anh của đám trẻ nít nheo nhóc nhà họ Lâm, khiến chúng nghe đến anh cả là sợ hãi xanh mặt.

Văn Chu Nghiêu là con nhà người ta điển hình, thành tích tốt, ngoan hiền lại đẹp trai, tính cách trưởng thành sớm khiến người lớn rất bớt lo. Một phần sự trưởng thành đó là do nỗi mất mát quá lớn khi còn nhỏ, một phần do tính cách bản thân, nhưng dù gì thì cũng rất là thương.

Với Văn Chu Nghiêu, đứa em trai nhỏ nhất này cũng xa lạ vô cùng, "chỉ mới gặp vài lần, lần nào bé con cũng được người lớn bế bồng hoặc cõng trên lưng, lớn thế rồi mà ngày nào cũng phải uống một ly sữa, người lúc nào cũng thơm sữa. Được nuôi quá kỹ nên trông giống như bé gái vậy."

Lâm Du chính là nguồn sáng dẫn dắt Văn Chu Nghiêu ra khỏi tuổi thơ đau xót, sự quấn quýt dính người của bé con làm Văn Chu Nghiêu không còn thời gian để nhớ tới những nỗi đau kia, nghe là biết quấn dính như nào rồi ha.

Tuy có một tâm hồn già dặn nhưng bé con Lâm Du 5 tuổi vẫn siêu đáng yêu, không hiểu sao có thể nhõng nhẽo một cách tự nhiên đến vậy luôn ấy.

Khi sống lại Lâm Du từng thề rằng kiếp này sẽ sống cô độc, không yêu ai, không quỵ lụy với tình yêu nữa. Nhưng người tính không bằng trời tính, sự thân thiết của hai anh em Văn Chu Nghiêu và Lâm Du khiến cho quỹ đạo đời này thay đổi, một thứ tình cảm dần đâm chồi trong những năm tháng thiếu niên, một cách tự nhiên mà cũng vô cùng sâu đậm.

Tất nhiên tình cảm ấy chịu phải sự phản đối của bố Lâm, nhưng khi hai đứa nhỏ cách xa, nhìn con trai độc nhất của mình không khóc không quấy, chỉ chăm chỉ làm việc nhưng cứ gầy đi trông thấy, phận làm cha mẹ ông cũng không nỡ nặng lời về mối tình ấy nữa.

Thế mới thấy tình cảm gia đình của nhà họ Lâm rất tốt đẹp, tuy có không vừa lòng nhưng luôn suy nghĩ thoáng hơn, bao dung hơn, dù gì cũng là người một nhà.

Kết thúc truyện là hôn lễ của hai người, bố Lâm dù có tức thì cũng phải sửa soạn đi đón khách, ai bảo thằng nhóc hay làm theo ý mình kia là con của ông chứ.

Vậy rốt cuộc không rõ là “Nhà có bé ngoan” hay “Nhà có bé báo” nữa.

Truyện có tiết tấu bình thản, như đưa ta quay về nhịp sống đượm mùi cổ kính của một khung cảnh gia tộc trăm năm phồn thịnh, tình thân, tình yêu cũng theo đó mà nhẹ nhàng sâu lắng.

____

“…”: Trích từ bản chuyển ngữ mà reviewer đã đọc: Yu Yin

*Cover chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết

BÌNH LUẬN