logo
REVIEW>> NGÔNG CUỒNG CÙNG EM
ngong-cuong-cung-em
Tìm truyện
Donate

NGÔNG CUỒNG CÙNG EM

Tác giả:

Khúc Tiểu Khúc

Reviewer:

AI_Hoàng Lan

Độ dài: 81

Tình trạng: Hoàn edit

Lượt xem: 3654

Đêm mưa nơi trấn cổ Lâm Lang, chiếc xe dừng lại, một cô bé tầm mười tuổi trong bộ trang phục màu trắng diễn hí Quan âm, trên tay cầm chiếc dù, bước vào trong màn mưa, rồi dừng lại dưới túp lều che miệng giếng bên cạnh cây cầu đá. Ở nơi đó, có một cậu bé trạc tuổi cô, trong tay ôm khư khư lọ tro cốt, bị đám trẻ đồng trang lứa vừa đánh vừa mắng, ấn đầu cậu xuống làn nước nơi miệng giếng.

Cậu nhóc đã không còn sức lực để chống trả. Điều duy nhất có thể làm chỉ là dùng tấm thân gầy còm nhơ nhớp để bảo vệ lọ tro cốt của bà ngoại đang ôm trong lồng ngực cho đến khi đám trẻ chơi chán, đánh chán rồi giải tán.

Lâm Thanh Nha bước đến bên bên cậu, không màng đến bộ quần áo Quan Âm trên người đã bị bùn lầy vấy bẩn, rồi im lặng đứng nhìn.

Cậu bé trong bộ dạng nhơ nhuốc nhất, thảm hại nhất nhưng lại đối diện cô bằng ánh mắt nụ cười mỉa mai: “Nhìn cái gì?”

Cô bé không trả lời mà chỉ chìa ra chiếc khăn tay, giúp cậu lau sạch lọ tro cốt bị vấy bẩn.

Từ hôm đấy, trấn cổ Lâm Lang của Dục Diệc xuất hiện một vị Bồ tát sống: Lâm Thanh Nha đến Lâm Lang cổ trấn bái sư, theo học Côn kịch. Cô bé nhu mì, ít nói nhưng có đôi mắt hạnh sáng ngời ấm áp. Cô bé không hay biểu lộ tình cảm nhưng luôn là người sát trùng, thoa thuốc mỗi lúc Dục Diệc đánh nhau; là người phê bình, uốn nắn cậu bỏ thói lưu manh; nấu cho cậu bát sủi cảo trong đêm giao thừa; và là người dù trải qua bao lâu vẫn luôn đỏ mặt trước những câu đùa giỡn lưu manh của cậu.

Một đêm nọ, tiểu Quan âm của cậu lại lừa “bán” cậu về lại nhà họ Đường, nơi mà, trước khi bỏ trốn về trấn Lâm Lang với bà ngoại, cậu đã phải trải qua một tuổi thơ tàn khốc, làm đồ chơi cho đứa em trai cùng cha khác mẹ mặc sức tra tấn, và dưới ánh mắt bàng quan mặc kệ sống c hết của những người lớn được gọi là “gia đình” của cậu.

Từ đó, địa ngục trần gian của cậu bắt đầu, không phải bởi đòn roi, bởi sỉ nhục, mà bởi nhung nhớ, bởi khát vọng gặp lại.

“Bác sĩ của Mạnh Giang Dao gọi tới nói tôi có bệnh, bệnh không nhẹ, không uống thuốc có thể sẽ bị đ iên. Tôi biết những loại thuốc đó, bọn họ nói uống vào trí nhớ sẽ giảm sút, sẽ quên mất rất nhiều chuyện. Cho nên tôi không uống.

Dù sao thì tôi không sợ bị đ iên, cũng không sợ c hết.

...Nhưng tôi sợ quên mất cô ấy.”

Kể từ đó Đường Dục đắm chìm trong thế giới tàn khốc của chính mình. Bằng bảy, tám năm bị cô vứt bỏ, hắn vô tình ngay cả với bản thân, đ iên cuồng làm việc, đ iên cuồng trả thù rồi đi đến đỉnh cao, giữ trong tay chức vụ phó chủ tịch điều hành của tập đoàn gia đình Thành Thang.

“Bảy năm.

Hai ngàn năm trăm ngày.

Sáu mươi ngàn tiếng đồng hồ.

Ba triệu sáu trăm ngàn phút”.

Nỗi nhớ em gửi gắm vào những bức tranh vẽ em mà tôi quý hơn sinh mạng. Ngày nào đó, nếu được gặp lại, tôi sẽ cho em xem. Liệu em sẽ hiểu lòng tôi? Liệu em sẽ không vứt bỏ tôi lần nữa?

Ai cũng biết quãng đường ấy dài như thế nào. Nhưng không chỉ dài, con đường của Đường Diệc còn ngập trong bi thương và nhung nhớ.

Những gì đeo bám hắn là ngày ngày đêm đêm nằm giữa ranh giới tỉnh táo và hỗn độn. Có những cơn ác mộng, hắn xem tra tấn là niềm vui. Có những giấc mơ nhìn thấy cô, hắn xem đó là tưởng thưởng...

Năm tháng đổi thay, xuân qua xuân lại nhưng người thì vẫn như thế, đ iên cuồng, mòn mỏi. Thứ Đường Diệc không sợ nhất là c hết. Nhưng hắn cũng không muốn c hết, vì sợ c hết đi rồi, sẽ vĩnh viễn mất cô...

Người ta bảo Đường Diệc dầu muối không ăn, chỉ thích ngắm trang phục biểu diễn hí kịch của phụ nữ. Chính vì thế rất nhiều người mời hắn đi xem kịch. Nào có ai biết, nhạc vừa lên hắn đã ngủ mất. Đời này, hắn xem kịch cũng chỉ vì người trong lòng hắn diễn kịch. Mà bất kỳ ai khác đứng trên sân khấu đều làm hắn nhớ cô.

“Từ nay ta không dám nhìn Quan âm…” Bởi vì… e sợ sẽ lại nhớ đến người xưa… (1)

Cho đến một ngày nọ, có người lại kéo hắn đi xem kịch. Nhạc nổi lên, người bước ra sân khấu… Chú chó Tiểu Diệc vốn nằm ngoan ngoãn bên chân hắn bỗng dưng trở chứng, sủa đến dọa người rồi nhảy bổ lên sân khấu. Còn hắn… c hết sững…

Người trên sân khấu, tiểu Quan âm của hắn… Lâm Thanh Nha đã trở về.

Bảy năm dài bị tra tấn bởi đau khổ, mù mịt… Câu chuyện ngày xưa là gì để cô bỏ hắn ra đi? Vì sao cả bảy tám năm trời họ lại không hề tìm nhau? Điều gì sẽ chờ đợi họ, khi cô đã có chồng chưa cưới do gia đình sắp đặt, còn hắn đã trở thành một con người tuyệt tình, đ iên cuồng chẳng nể mặt ai.

Năm xưa, hắn sợ bùn lầy nhơ nhớp của mình sẽ vấy bẩn tuyết trắng; sợ con ác q uỷ trong mình sẽ kéo tiểu Quan âm cùng xuống địa ngục.

Nhưng rồi, hắn vẫn mất cô.

Giờ đây, bùn mặc bùn, tuyết mặc tuyết; dù là vấy bẩn hay giao hòa, hãy để bùn nhơ và tuyết trắng hòa quyện cùng nhau. Hắn sẽ không mặc kệ sống c hết của bản thân nữa. Bởi giờ đây, nơi mà hắn muốn đến không phải là địa ngục, mà là trần gian này, nơi có cô, nơi họ có nhau, nơi mà có người thực lòng yêu thương hắn, và có người cần hắn chở che một đời.

“Em yêu anh, cầu mong thế giới cũng sẽ yêu thương anh, Đường Diệc.”

Còn anh,

“Anh dùng một đời dẫu dài dằng dặc hay ngắn ngủi,

Tỏ tình với em.”

***

“Ngông cuồng cùng em” được viết với bối cảnh tám năm sau, Lâm Thanh Nha trở về và tình cờ gặp lại Đường Diệc. Từng trang truyện lật giở sẽ giải đáp câu chuyện quá khứ vì sao họ lại rời bỏ nhau và viết tiếp câu chuyện tình yêu của hai con người hoàn toàn đối lập, như bùn và tuyết, như băng và ánh mặt trời.

Vẫn là chất liệu ngông cuồng độc chiếm yêu thích của Khúc Tiểu Khúc, với “Ngông cuồng cùng em”, tác giả thực sự hòa quyện được giữa thiên thần và ác q uỷ, giữa đ iên cuồng và dịu êm, giữa tình yêu và khát vọng.

Tình yêu của họ bắt đầu từ lần đầu gặp gỡ, Lâm Thanh Nha mặc một bộ trang phục diễn Quan âm bước đến cạnh hắn; nối tiếp khi họ gặp lại nhau, Lâm Thanh Nha trong trang phục Đỗ Lệ Nương đứng trên sân khấu hát vở kịch vĩ đại về tình yêu “Mẫu Đơn Đình”.

Những tình tiết tôn vinh văn hóa được lồng ghép tương đối hợp lý, vừa thể hiện được nét đẹp của nhân vật, vừa thể hiện được khát vọng vực dậy nền văn hóa Côn kịch (2) vốn đang dần mai một của Trung Quốc. Mặc dù một vài đoạn tâng bốc có phần quá đà, tuy nhiên nhìn chung nội dung lồng ghép đủ khéo léo, cách truyền tải không gây khó chịu, đồng thời cũng làm người đọc hiểu rõ hơn về loại hình văn hóa này.

_____

(1): Trích lời Lương Sơn Bá trong vở Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài

(2): Côn kịch là một loại hình hí kịch truyền thống của Trung Quốc, vốn ra đời và phát triển từ rất sớm. Cho đến thời nhà Thanh khi các đoàn Kinh kịch, vốn cũng có nguồn gốc từ Côn kịch vào Kinh thành và phát triển, Côn kịch mới dần nhường lại vị trí của mình cho Kinh kịch vốn trở nên hưng thịnh từ giai đoạn này.

“…”: Trích từ bản chuyển ngữ mà reviewer đã đọc: Malibu

*Cover chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết

BÌNH LUẬN