Tác giả:
Mặc Bảo Phi Bảo
Reviewer:
AI_Thủy Tiên
Designer:
AI_Trường Xuân
Độ dài: 80
Tình trạng: Hoàn edit
Lượt xem: 557
“Sống ở thời đại này cứ như người say, mơ mơ màng màng,
Say thì sống, tỉnh mộng thì c hết…”
…
Mười năm, có thể là một khoảng thời gian dài, cũng có thể là nó chỉ ngắn như một cái chớp mắt thôi. Mười năm đủ để một thế hệ mới trưởng thành, cũng đủ để con người ta quên mất đi một thế hệ đã ở lại trong quá khứ.
Mười năm trước, khi mà trên chân của các cô gái là đôi gót sen ba tấc, lúc đó người ta vẫn còn nghĩ rằng, đôi gót sen ấy sẽ giúp cho người con gái có dáng đi mềm mại, uyển chuyển. Nhưng qua mười năm sau, những đôi giày da hợp mốt xuất hiện ở khắp mọi nơi, dáng đi của một người con gái đã không còn bị bó buộc trong một đôi gót sen bé nhỏ nữa.
Mười năm trước, hai người nam và nữ chỉ được thoáng nhìn nhau qua một tấm màn che, còn nếu muốn gặp gỡ đối phương thì phải mời bà mai đến dạm ngõ trước, đôi bên đều phải nghiêm túc tuân giữ mọi phép tắc lễ nghĩa, giáo điều. Mà, qua mười năm sau, con người ta đã có thể đường đường chính chính tựa vào người bạn nhảy của mình, hai người yêu nhau đã có thể nắm tay nhau, ôm eo nhau, trao nhau nụ hôn cháy bỏng.
Chỉ là mười năm, mười năm thôi. Nhưng đó là những gì mà người của thế hệ đi trước đã không tiếc đổ máu mình ra để giành lấy. Họ lấy “non cao biển rộng mà không toàn, vứt bỏ thây này há có chi” ra mà lập nên lời thề sống c hết. Họ lấy thân mình ra mà đắp nên thành luỹ bảo vệ cho núi sông Hoa Hạ. Họ là những con người của thời đại – là những chứng nhân của thời đại cũ, là những người góp “những viên gạch đầu tiên” cho một thời đại mới.
Tạ Vụ Thanh được sinh ra trong một thời đại như thế.
Cả đời cha anh Tạ gia chiến đấu vì non sông, gia huấn cũng chỉ có tám chữ “con cháu tòng quân, tận trung vì nước”. Thế nên, từ sớm Tạ Vụ Thanh đã chọn lựa con đường chinh chiến nơi sa trường.
Chín năm quá ngắn để viết nên một đời người, nhưng cũng đã đủ để những cô cậu thiếu niên ngày nào trưởng thành. Năm ấy, cậu học sinh Tạ Vụ Thanh đã xé toạc tấm thẻ học sinh của mình đi, vì tính mạng của người thân mà cậu chấp nhận từ bỏ thân phận, xung phong cầm vũ khí lên chiến đấu.
Tạ Vụ Thanh trưởng thành từ trong chiến trường, chiến trường tôi luyện nên anh của ngày hôm nay. Từ một cậu học sinh vô danh hăng hái đứng lên vì lý tưởng thuở đầu, giờ đây, Tạ Vụ Thanh đã trở thành một vị tướng quân tài ba nổi danh khắp chốn.
Khác với bao chiến công lẫy lừng của Tạ gia và chính bản thân Tạ Vụ Thanh, Hà Vị lại có phần “bình thường” hơn thế. Nhưng, có thể sống sót ở trong thời đại ấy, có ai chỉ là một người bình thường thôi đâu?
Hà Vị được người ta biết đến với thân phận “cô hai nhà họ Hà”, cô là người có triển vọng kế thừa vận tải đường thuỷ Hà gia nhất trong số đám con cháu Hà gia. Cô thông minh, nhạy bén, cô dịu dàng nhưng không hề yếu mềm. Nếu cô vẫn còn sống trong thời đại cũ, người ta sẽ gọi cô bằng hai tiếng “tài nữ”, còn trong buổi giao thời như hôm nay, người ta lại tấm tắc bảo rằng cô sẽ thay cha anh làm nên nghiệp lớn.
Cuộc sống của hai con người ấy giống như là hai đường thẳng song song vậy. Một người dẫn binh chinh chiến, một người quản lý gia nghiệp, họ vẫn đang sống cuộc sống của chính mình, nào có ai ngờ rằng họ sẽ gặp gỡ nhau đâu. Ngỡ rằng họ chỉ là hai lữ khách xa lạ tình cờ ghé vào vùng đất Bách Hoa Thâm Xử ấy, ngỡ rằng đây chỉ là một cuộc gặp gỡ đầy ngẫu nhiên của số phận.
Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn trong hai tuần ngắn ngủi, họ đã viết tên đối phương vào cuộc đời mình, rồi lại trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của đối phương.
“Nhân sinh đúng là không sao đoán trước được điều gì. Từ Bắc Kinh đến Vân Quý núi cao sông dài, đường bộ rồi lại đường thuỷ phải đổi qua đổi lại mấy bận, chiến hỏa các tỉnh liên miên không dứt, thư từ qua lại gửi đi phải mất đến mấy tháng mới đến nơi… Nếu không phải vì có chuyện vào kinh, chỉ e là, cả đời này, hai người họ cũng không gặp được nhau.
Một hồi kịch hạ màn. Chín năm của anh, sinh tử bao lần, đã sớm bằng mấy đời của người bình thường.”
Trong cái thời đại ấy, vẫn còn sống để được quen biết thêm một ai đó, đã là một duyên phận vô cùng lớn lao của số phận rồi. Có lẽ vì hiểu thấu được đạo lý này, nên dù thời gian mà họ xa cách nhau còn dài hơn cả thời gian được ở bên nhau, họ vẫn chưa một lần buông lời oán trách số phận.
Gặp được anh rồi thì Hà Vị mới biết, hoá ra, những con người như anh lại ở gần với cuộc sống của cô đến thế. Họ vì muốn phơi bày bóng tối mà chẳng tiếc từ bỏ thân mình, vì đại nghĩa mà khước từ hết thảy mọi mong muốn của bản thân. Những con người ấy lặng lẽ đặt cuộc sống của mình vào trong hiểm nguy, tình nguyện náu mình trong bóng tối để mang đến ánh sáng cho bao người.
Tuy nói rằng Tạ Vụ Thanh ẩn mình trong bóng tối, nhưng thật ra, anh lại càng giống một ngọn đèn toả ra thứ ánh sáng dịu dàng hơn. Khi yêu nhau, con người ta thường trao nhau những lời âu yếm đầy tình tứ. Nhưng với một kẻ đã đối mặt với cửa tử không biết bao nhiêu lần, lời “đường mật” duy nhất mà anh có thể nói với Hà Vị chỉ là “mong em sống lâu trăm tuổi, trường thọ hơn bất kỳ ai”. Ấy là tâm nguyện từ tận đáy lòng, cũng là lời chúc phúc mà anh dành cho người con gái anh yêu.
Anh chỉ muốn cô được sống trong tình cảnh thuận buồm xuôi gió, một đời an vui…
Có rất nhiều lúc, họ đã tự hỏi bản thân mình rằng, nếu cô không phải là Hà Vị, mà cô chỉ là một cô gái bình thường, hoặc giá như anh chỉ là một người đàn ông bình thường như bao người khác, và nếu như họ được sinh ra ở một thời đại khác, thì liệu rằng việc ở bên nhau có gian khó đến nhường này hay không?
Nhưng, cũng chính vì cô là cô hai nhà họ Hà, anh lại là Tạ Vụ Thanh, chính vì họ đang gánh trên vai mình trách nhiệm lớn lao với thời đại, nên khi họ gặp được nhau, tất cả những gì anh có thể hứa hẹn với cô chỉ là một chữ “đợi” mà thôi.
“Trong kịch, mỗi lần từ biệt nhau, người ta đều nói mấy lời hẹn gặp lại, không ngờ là cuộc đối thoại cuối giữa bọn họ lại đơn giản như thế, bình thản giống như ngày mai vẫn còn sẽ gặp mặt, đến cả một câu hẹn gặp lại cũng chưa kịp nói…”
Đợi, là lời hứa hẹn mà anh dành cho cô, cũng chính là lời mà anh tự nhủ với chính mình… Đợi anh trở về, đợi đến khi chiến loạn bình ổn, chỉ cần Tạ Vụ Thanh này còn sống, anh sẽ quay trở về gặp cô, nhất định sẽ quay trở về gặp cô.
Đợi, đợi anh trở về, chỉ cần anh còn sống…
…
Truyện do Mặc Bảo Phi Bảo viết sẽ luôn khiến chúng mình phải “quắn quéo”, không ngừng thổn thức vì tuyến tình cảm quá sức “đẹp”. Đi từ tên truyện, khi dịch ra thì “Dạ lan kinh hoa” mang ý nghĩa “đế kinh đêm đã về tàn”. Bên cạnh đó, đây còn là tên của một bộ truyện viết về một câu chuyện tình “nở rộ” trong thời chiến loạn đầy rối ren. Và lần này, chữ “tình” ấy không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà còn là tình nghĩa với trăm dân, là tình yêu nồng nàn với đất nước.
Cũng bởi thế mà khi đặt “Dạ lan kinh hoa” trong bối cảnh chuyển giao thời đại, câu chuyện tình yêu của Tạ Vụ Thanh và Hà Vị còn gắn liền với những trọng trách to lớn hơn cả. Là lý tưởng và trách nhiệm của một quân nhân với muôn dân trăm họ, là những hy sinh lặng thầm của không biết bao nhiêu con người, là vô số người đã ngã xuống vì tổ quốc mà họ yêu, là vai trò và trách nhiệm của mỗi một “người bình thường” trong những tháng ngày tăm tối nhất của đất nước.
Đôi lúc ta sẽ thấy không khí truyện có phần u ám, đặc biệt là những khi mà sự sống của con người như đang cheo leo bên bờ vực thăm thẳm sâu. Nhưng, sau mỗi lần mà ta ngỡ rằng họ sẽ mãi đắm mình trong đêm đen, thì họ lại được tìm thấy nhau, thắp nên ngọn đèn le lói dẫn lối nhau.
_____
“…”: Trích từ bản chuyển ngữ mà reviewer đã đọc: Cà Chua Nhỏ.
*Cover chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết
BÌNH LUẬN
THÔNG TIN
Công ty TNHH thương mại dịch vụ truyền thông đa phương tiện Allin
Địa chỉ: 15/2 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 4, Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
LIÊN HỆ
Email: [email protected]
@copyright 2022.
Allin ltd. All rights reserved