logo
REVIEW>> CHÀO EM, CÔ GIÁO CỦA TÔI
chao-em-co-giao-cua-toi
Tìm truyện
Donate

CHÀO EM, CÔ GIÁO CỦA TÔI

Designer:

AI_Lâm

Độ dài: 82

Tình trạng: Hoàn edit

Lượt xem: 1290

Hai chữ “tuổi trẻ” sẽ gợi nhắc điều gì trong bạn?

Có người sẽ hoài niệm một thời lừng lẫy đã từng của mình, có người lại chậc lưỡi nuối tiếc vì mình chỉ mải vùi đầu vào sách vở, có người chẳng băn khoăn gì vì giờ đây họ đã đi trên con đường mình muốn, nhưng, cũng có những người chẳng nhớ gì về nó cả, như thể nó chỉ là một miền ký ức xa xăm chẳng đáng nhắc đến.

Người ta hay nói, những người có cùng tần số thì họ sẽ dễ dàng thấu hiểu và đồng cảm cho đối phương. Có lẽ, “tần số” ấy còn được gọi tên bằng hai tiếng – cảnh ngộ.

Sau năm năm ôm lấy trách nhiệm của một “người lái đò”, trong ấn tượng của mấy thế hệ học sinh, cô giáo Ninh Thư là một cô giáo trẻ cổ hủ, hay cằn nhằn, kiểm soát quá mức và hay “mách lẻo” với phụ huynh. Họ thấy cô giáo của mình cổ hủ vì cô chẳng chịu hiểu học sinh, chẳng để tâm đến cảm nhận của học sinh chút nào cả.

Cô còn hay cằn nhằn, hay nói đi nói lại một vấn đề, học sinh ngồi dưới đã nghe đến phát ngấy hết cả lên rồi mà cô chẳng chịu ngừng lại. Cô hay xin tiết của những bộ môn “phụ” để thay bằng tiết Ngữ văn, cô còn hay mách lỗi sai của học sinh cho phụ huynh (dù rằng mấy cô cậu học sinh thấy những lỗi ấy chẳng đáng để nói ra),…

Kể ra thì nhiều vô số kể, vậy nên, cũng bởi thế mà mấy cô cậu học sinh này đã lén lút đặt cho cô một biệt danh chẳng dễ nghe gì cho cam – bà già Ninh.

Học sinh có muôn vàn lý do để không thích một giáo viên của mình. Một khi đã không thích thì họ sẽ chỉ nhìn giáo viên của mình bằng đôi mắt đầy rẫy định kiến, họ sẽ phủ nhận hết thảy bao công lao và sẽ lấy hai chữ “ích kỷ” để kết luận về con người của vị giáo viên ấy.

Không phải Ninh Thư không biết gì cả, cô cũng biết hết những điều đó đấy thôi. Nhưng cô lựa chọn không vạch trần, không so đo, cô chỉ muốn làm tốt nhất trong khả năng của mình để có thể đem lại những điều tốt đẹp nhất cho học sinh của cô.

Mấy cô cậu học sinh ấy chẳng thấy cảnh cô phải thức trắng đêm để lập nên kế hoạch học tập cho từng người trong số bọn họ; họ chẳng thấy cô từng lén lau đi đôi mắt nhoè ướt trong ngày nhà giáo; cũng chẳng thấy cô bảo vệ học sinh của mình như “gà mẹ bảo vệ gà con” ra sao.

Cô làm tất cả để học sinh của mình không phải thốt lên hai chữ “hối hận” khi mọi thứ đã muộn màng.

Cô chẳng nói ra điều gì cả, chỉ âm thầm làm, thầm dọn lối và viết nên “tương lai” rực sáng cho học trò của mình. Nhưng, chẳng hiểu sao giữa cô và học sinh luôn có một khoảng cách. Có lẽ cô không sai, hành động xuất phát từ tấm lòng chân thành sẽ không có bản chất xấu, chỉ là do cô chưa lựa chọn cách thể hiện đúng đắn, thế nên khoảng cách giữa cô và học sinh của mình ngày một xa xôi hơn.

Không chỉ với học sinh của mình, mà dường như, giữa Ninh Thư với mọi người, giữa Ninh Thư và thế giới, luôn tồn tại một thứ khoảng cách vô hình.

Cô cũng chỉ là một vị giáo viên hết sức bình thường, là một người bình thường đến không thể bình thường hơn được nữa. Mà cũng bởi sự “bình thường” ấy quá đỗi hoàn mỹ nên chẳng một ai nhận ra sự khuyết thiếu trong cô.

Vậy mà Nghiêm Kiều lại nhận thấy ra chút “tì vết” ấy trong đôi ba lần đầu họ gặp gỡ.

Nghiêm Kiều là giáo viên Thể dục mới nhậm chức. Lẽ ra anh cũng chỉ là một thầy giáo bình thường, một người đồng nghiệp bình thường như những người khác. Nhưng không biết sao mà Ninh Thư lại chẳng thấy anh giống người tốt, thậm chí, trong lần gặp mặt đầu tiên, cô còn lầm tưởng anh là một “thế lực đen” xấu xa chuyên dụ dỗ học sinh của mình.

Tuy biết rằng không thể đánh giá một người qua hình xăm mà họ để lộ ra ngoài, nhưng trong suy nghĩ của cô, người mang thân phận nhà giáo thì nào có ai đi xăm mình đâu. Nghiễm nhiên Nghiêm Kiều đã bị Ninh Thư liệt vào danh sách “người xấu”.

Cái anh “người xấu” này lạ lắm. Thích trêu chọc cô, thích dọa ma cô thì chớ, còn hay bảo rằng cô nhét bông vào trong áo. Gương mặt nom cũng sáng láng mà trong đầu chỉ toàn là mấy suy nghĩ vớ vẩn đầy đen tối. Tóm lại là, sau mấy ngày giao tiếp ngắn ngủi với nhau, Nghiêm Kiều lại được điểm tên trong danh sách “chó dữ chớ trêu vào” của cô giáo Ninh.

Nhưng ông trời cứ trêu ngươi cô mãi thôi, cô càng sợ anh, càng muốn né tránh anh thì anh lại càng sát lại gần cô hơn nữa.

Từ vị giáo viên mới xa lạ đến đồng nghiệp, họ “quen thân” hơn đôi chút, rồi sau đó lại trở thành bạn thuê cùng nhà. Chung đụng lâu ngày mới biết lòng người. Ninh Thư dần nhận ra anh chàng “người xấu” này cũng chẳng đến nỗi xấu xa tồi tệ như cô đã nghĩ.

Hoá ra, đằng sau cái dáng vẻ ngông cuồng ấy lại là một con người đang gồng gánh trên vai bao trách nhiệm. Mà những trách nhiệm ấy buộc anh phải “xấu xa”, “xấu xa” để bảo vệ cậu em trai mà anh thương yêu hết mực, “xấu xa” để tự bảo vệ chính mình khỏi những vết thương lòng.

Hoá ra, đằng sau dáng vẻ cà lơ phất phơ, là giáo viên mà lại chẳng giống giáo viên ấy là một người đàn ông tinh tế vô cùng. Một nét buồn chợt thoáng qua nơi đáy mắt cô cũng chẳng thể thoát khỏi đôi mắt anh. Chút quan tâm thầm lặng không được điểm tên, khi góp nhặt lại lại trở thành vòng ôm vững chãi trao cô bao ủi an.

Cứ chậm rãi thế thôi, họ tìm thấy đối phương trên nút giao của cuộc đời, dường như phải lòng nhau chỉ là chuyện sớm muộn. Trong mối quan hệ này, nếu phải chỉ ra ai là người chủ động tiến về phía trước, thì đó có lẽ là Nghiêm Kiều.

“Anh có thể cảm nhận được rằng, không phải cô không hề thích anh. Chỉ là cô thích anh chưa đủ nhiều và còn phải xếp sau những thứ khác, chẳng hạn như quá khứ của cô hay cha mẹ cô. Anh không trách cô nhu nhược, không dũng cảm, vì anh luôn biết cô là một cô gái thông minh, hiểu chuyện. Nguyên nhân khiến anh bị xếp sau không phải do cô mà nhất định là vì anh chưa đủ tốt, hoặc là anh đối xử chưa thực sự tốt với cô.”

Trên đời này nào có ai sinh ra là để dành cho ai. Chỉ có thời gian và thấu hiểu mới khiến người ta dần buông bỏ lớp phòng bị và nguyện ý mở ra một khởi đầu mới.

“Chào em, cô giáo của tôi” là một bộ truyện nhẹ nhàng ngọt ngào, mạch truyện sáng rõ nhưng có phần chậm nhiệt. Bên cạnh tuyến tình cảm, hẳn là bạn sẽ thấy thích các tình tiết nhỏ liên quan đến các nhân vật phụ đáng yêu khác.

Một Nghiêm Kiều với quá khứ u tối đầy rẫy tuyệt vọng, một Ninh Thư đang ôm lấy trái tim sứt sẹo của mình và gắng sức hàn gắn nó. Họ đâu hoàn hảo, đâu có quá khứ rực rỡ muôn phần, cũng nào đâu biết dư vị của hạnh phúc tròn đầy. Dẫu từng bị cuộc đời ngộ thương, nhưng giờ đây, họ vẫn hoài ngóng trông về một mái nhà, một hạnh phúc.

“… Anh đứng trong ánh mặt trời, đôi mắt đẹp đẽ dịu dàng nhìn về phía cô.

Những thời khắc đã qua và hiện tại như hòa vào làm một, cô ôm sách vở trên tay, băng qua hàng cây phong hai bên đường và đám đông học sinh mặc đồng phục xanh trắng, chạy về phía anh.”

____

“…”: Trích từ bản chuyển ngữ mà reviewer đã đọc: Thiên Hamho.

*Cover chỉ mang tính chất minh họa cho bài viết

BÌNH LUẬN